Bối cảnh Trận_Kolubara

Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Đế quốc Áo-Hung tuyên chiến với Serbia cũng như của Chiến tranh thế giới thứ nhất là vụ ám sát thái tử Áo-Hung Franz Ferdinand tại Sarajevo, Bosna. Ngày 28 tháng 6 năm 1914, khi thái tử Franz Ferdinan bị một số thành viên của Tổ chức Bàn tay đen thực hiện kế hoạch ám sát tại Sarajevo. Áo-Hung đã gửi tối hậu thư cho Serbia vào ngày 23 tháng 7 với nghi ngờ Beograd lên kế hoạch cho cuộc ám sát.[1] Tối 25 tháng 7, Serbia gửi tối hậu thư đến đại sứ Áo-Hung quyết tâm hòa giải cuộc xung đột nhưng Áo-Hung vẫn không chấp thuận và tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Serbia.[2] Ngày 28 tháng 7 năm 1914, Áo-Hung tuyên chiến với Serbia và trong cùng ngày hôm đó người Serbia đã phá hủy toàn bộ các cây cầu bắc qua sông SavaDanube để ngăn việc Áo-Hung sử dụng chúng để tấn công nước này.[3] Một ngày sau đó, Beograd bị pháo kích, Chiến tranh thế giới thứ nhất chính thức bùng nổ.[4]

Chiến sự tại khu vực Đông Âu của Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng bắt đầu từ cuộc tấn công Serbia của Đế quốc Áo-Hung vào đầu tháng 8 năm 1914.[5] Quân số Áo-Hung tham gia tấn công Serbia chỉ vào khoảng 200.000 quân so với ước tính 308.000 quân ban đầu, do phần lớn Tập đoàn quân số 2 của Áo-Hung đã phải đưa sang mặt trận Ba Lan đối đầu với Nga. Bốn mươi phần trăm (40%) lực lượng trên là người Nam Slavơ sinh sống trên lãnh thổ Áo-Hung.[6] Điểm mạnh của quân đội Áo-Hung là có nhiều súng trường hiện đại và có số súng máy và pháo gấp đôi quân đội Serbia, bên cạnh đó có nhiều đạn dược hơn và khả năng vận tải tốt hơn. Cơ sở hạ tầng công nghiệp của Áo-Hung cũng cao hơn Serbia.[7]Trong khi đó, phía Serbia nếu tổng động viên đầy đủ sẽ có 450.000 quân. Lực lượng chính đối đầu với Áo-Hung là bốn tập đoàn quân 1, 2, 3 và Užice, tổng quân số 180.000 người.[8] Quân đội Serbia cũng chỉ đang trong quá trình hồi phục sau Các cuộc chiến tranh Balkan, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng 36.000 lính Serbia và 55.000 người khác bị thương nặng, bằng cách tuyển quân từ các vùng đất mới chiếm được. Về vũ khí, quân đội nước này thiếu hụt về pháo và đang trong giai đoạn bổ sung đạn dược. Lính Serbia cũng thiếu cả các trang bị cơ bản, nhiều lính mới tuyển mộ thậm chí không được trang bị giày[7] và nhiều đơn vị không có đồng phục trừ áo choàng tiêu chuẩn và mũ truyền thống Serbia gọi là šajkača. Súng trường cũng trong tình trạng thiếu hụt với ước tính khi quân đội Serbia được tổng động viên toàn bộ, có khoảng 50.000 lính Serbia sẽ không được trang bị gì cả.[8] Đó là chưa kể một bộ phận quân đội nước này còn phải được sử dụng cho nhiệm vụ chống các cuộc nổi dậy của người Albania và mối đe dọa từ Bulgaria. Lợi thế của Serbia so với Áo-Hung là nhiều người lính thuộc quân đội nước này là cựu binh trong Các cuộc chiến tranh Balkan nên có nhiều kinh nghiệm chiến đấu và được huấn luyện tốt hơn.[9] Tinh thần người lính Serbia cũng cao hơn, bù đắp cho sự thiếu hụt về vũ khí so với đối phương.[10]

Tổng chỉ huy các lực lượng Áo-Hung tham gia tấn công Serbia là Đại tướng Oskar Potiorek, người đã không thể bảo vệ được cho Thái tử Franz Ferdinand trong sự kiện ám sát tại Sarajevo.[11] Quân đội Serbia được đặt dưới sự chỉ huy trên danh nghĩa của Thái tử Alexander, còn trên thực tế là Tổng tham mưu trưởng, Thống chế Radomir Putnik, người đã có kinh nghiệm lãnh đạo quân đội nước này trong cuộc chiến tranh Balkan.[12] Các Đại tướng Petar Bojović, Stepa StepanovićPavle Jurišić Šturm lần lượt là chỉ huy trưởng ba tập đoàn quân 1, 2 và 3 của Serbia.[13]

Trận Cer và Trận Drina

Vào tháng 8 năm 1914, cuộc tấn công đầu tiên của Đế quốc Áo-Hung vào lãnh thổ Serbia đã hoàn toàn bị đánh bại sau trận Cer, chiến thắng đầu tiên của khối quân sự phe Hiệp ước trước phe Liên minh trung tâm trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.[14][15][16] Thất bại này là một sự sỉ nhục với cá nhân Potiorek, người mà trước khi trận đánh diễn ra đã dự đoán Áo-Hung sẽ dễ dàng đánh bại Serbia và gọi lính Serbia là "những kẻ chăn lợn."[17] Mặc dù vậy, ông vẫn tiếp tục được giao nhiệm vụ sẽ mở một cuộc tấn công mới vào Serbia trong tháng 9 với sự răn đe "không được phép để có bất kỳ rủi ro nào có thể dẫn đến thất bại lần nữa."[18] Trong khi đó về phía Serbia, nước này chịu áp lực của Nga phải cầm chân càng nhiều càng tốt lính Áo-Hung tại Balkan nên quân đội Serbia có sự trợ giúp của du kích quân Chetnik đã tràn vào Bosnia vào tháng 9 nhưng đã bị đẩy lùi sau một tháng giao tranh (đây gọi là Trận Drina).[19] Tướng Bojović bị thương trong trận này nên tướng Živojin Mišić đã thay thế ông trở thành chỉ huy trưởng Tập đoàn quân số 1 Serbia.[13]

Kế hoạch tấn công Serbia lần thứ ba của Áo-Hung

Armeeoberkommando (Bộ tư lệnh quân đội Áo-Hung - AOK) biết rằng một khi Serbia chưa bị đánh bại, nước này sẽ là “cái nêm” chèn vào giữa các nước Liên minh Trung tâm, cụ thể khiến cho tuyến đường sắt Berlin–Baghdad nối liền Đức và Thổ Nhĩ Kỳ không thể hoàn thành. AOK cũng nhận định một khi Serbia bị tiêu diệt, các quốc gia đang tuyên bố trung lập như Bulgaria, RomâniaHy Lạp sẽ tham gia cuộc chiến về phe Liên minh Trung tâm và điều này cũng ngăn không cho Ý mở mặt trận khác chống lại Áo-Hung.[20] Tuy nhiên AOK vẫn do dự trong việc tấn công Serbia lần thứ ba.

Tháng 9 năm 1914, lính Áo-Hung phát hiện một bản đồ tại một hiệu sách đã bị bỏ hoang tại Semlin mang tựa đề "Sự phân chia mới lại châu Âu". Bản đồ này có nguồn gốc từ một tờ báo Nga và được bán một cách rộng rãi tại Serbia mô tả đường biên giới châu Âu sau chiến tranh: Đức sẽ bị chia làm liên bang miền bắc và miền nam còn Đế quốc Áo-Hung sẽ bị xóa sổ, phần phía đông đưa lại cho Nga, România, người Séc và người Hungary còn phần phía nam sẽ được chia giữa Serbia và Ý.[21] Trước nguy cơ tan rã của Đế quốc Áo-Hung, đích thân Hoàng đế Áo-Hung Franz Joseph đã cho phép tấn công Serbia lần thứ ba vào đầu tháng 10 năm 1914.[22]

Sau khi đẩy lùi quân đội Serbia ra khỏi Bosnia vào tháng 9, quân đội Áo-Hung bắt đầu tái tổ chức lại chuẩn bị cho cuộc tấn công mới vào Serbia trước mùa đông.[23] Potiorek một lần nữa được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh toàn bộ lực lượng Áo-Hung và trực tiếp chỉ huy Tập đoàn quân số 6 còn tướng Liborius Ritter von Frank được giao chỉ huy Tập đoàn quân số 5.[24] Tổng quân số Áo-Hung là 450.000 quân, so với 400.000 quân của Serbia.[25] Vào giữa tháng 10, Áo-Hung tung ra một cuộc tấn công vào hướng tây bắc Serbia và Potiorek một lần nữa thể hiện sự tự tin. "Các bạn, những người lính của Tập đoàn quân số 5 và 6, Mục tiêu của chúng ta trong cuộc chiến này đã gần đạt được – kẻ thù sắp bị đánh bại hoàn toàn. Chiến dịch ba tháng của chúng ta đã đi đến hồi kết – điều duy nhất còn phải làm bây giờ là đập tan sự kháng cự cuối cùng của kẻ thù trước mùa đông năm nay."[26]

Potiorek dự tính hai mũi tấn công vào phía bắc và phía tây Serbia; Tập đoàn quân số 5 sẽ chiếm Valjevo và hướng đến sông Kolubara từ phía bắc trong khi Tập đoàn quân số 6 lấy cao nguyên Jagodnja làm bàn đạp sẽ đánh vào sườn các đơn vị Serbia tại Kolubara từ phía nam. Mục tiêu chính của Potierek là thành phố Niš ở đông nam Serbia; Niš đã trở thành thủ đô thời chiến của Serbia từ tháng 7 năm 1914 và là một trung tâm quan trọng cho quân sự về mặt giao thông, đồng thời còn là nơi trung chuyển đạn pháo sản xuất được của nhà máy đặt tại Kragujevac gần đó. Đánh chiếm được Niš đồng nghĩa với việc Áo-Hung chia cắt được quân đội Serbia thành hai phần.[27]

Về phía Serbia, quân đội nước này cũng đã kiệt sức và mất tinh thần.[a] Ngày 27 tháng 10 năm 1914, chỉ huy trưởng Tập đoàn quân số 2 Serbia Stepanović gửi điện tín cho Putnik than phiền rằng tập đoàn quân của ông không có đủ đạn pháo để phòng thủ lại quân Áo-Hung và ông xin được từ chức chỉ huy trưởng[b]; Putnik từ chối lời lời đề nghị này và lệnh cho toàn bộ các đơn vị Serbia phải ra sức kháng cự quân Áo càng lâu càng tốt trước khi rút lui. Chiến lược này tỏ ra hiệu quả trong giai đoạn mùa hè nhưng mưa lớn và liên tục vào tháng 9 và đầu tháng 10 khiến cho đường sá ở Serbia trở nên lầy lội, toàn bộ các thung lũng tại vùng tây bắc Serbia đều bị ngập nước nên việc chuyển quân, vũ khí và tiếp vận trở nên cực kỳ khó khăn. Dù vậy, đây cũng là ưu thế của Serbia khi thống chế Putnik đã nói với cố vấn thân cận nhất của mình: “Toàn bộ chiến lược của tôi cốt yếu ở chỗ là đặt “thứ bùn đặc sản của Serbia” vào giữa chiến tuyến và tuyến tiếp vận của kẻ thù."[28]

Potiorek nhận ra được tình hình khó khăn mà quân đội Serbia đang phải gánh chịu nên tin tưởng cuộc tấn công lần này sẽ đưa ông đến một thắng lợi quyết định. Tại ViennaSarajevo, các quan chức Áo-Hung đã bắt đầu bàn về việc chiếm đóng và phân chia Serbia, biến nhiều vùng lãnh thổ nước này thành “món quà” để lôi kéo các nước trung lập Balkan tham gia phe Liên minh Trung tâm, cụ thể là đưa vùng Timočka Krajina cho România và vùng Macedonia, đông nam Serbia cho Bulgaria. Áo-Hung dự tính sáp nhập toàn bộ khu vực phía tây sông Morava, bao gồm các thành phố Scutari (Shkodër) và Durazzo (Durrës) phía bắc Albania.[22] Người Serbia sinh sống tại phía tây Morava sẽ bị trục xuất và người Áo sẽ đến thế chỗ. Ludwig Thallóczy, một quan chức trong Bộ Tài chính Áo-Hung đề nghị “Tây Âu hóa mạnh mẽ người Serbia” một cách nhanh chóng sau khi chiếm được Serbia.[26]

Cuộc tấn công Serbia lần thứ ba và thắng lợi bước đầu của Áo-Hung

Lính Áo-Hung đứng bên cạnh những khẩu pháo chiếm được của Serbia.

Ngày 31 tháng 10, tập đoàn quân số 5 Áo-Hung tràn xuống khu vực giữa hai sông Sava và Drina trong khi tập đoàn quân số 6 đi về phía tây vượt sông Drina đến vùng cao nguyên Jagodnja.[24] Cuộc tấn công lần thứ ba của Áo-Hung vào Serbia bắt đầu từ ngày 6 tháng 11 năm 1914 với hỏa lực pháo binh bắn phá hàng loạt các thị trấn dọc theo biên giới.[23] Ngày 7 tháng 11, hai tập đoàn quân này vượt sông Drina. Quân Serbia mặc dù bị áp đảo về quân số và thiếu hụt đạn dược đã chống trả kịch liệt nhưng sau cùng cũng buộc phải có sự rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng. Tập đoàn quân số 3 Serbia rút về con đường dẫn đến sông Jadar để chặn đà tiến quân của Áo-Hung đến Valjevo, còn Tập đoàn quân số 1 rút về phía nam vào sâu trong nội địa còn Tập đoàn quân Užice thì cố ngăn quân Áo-Hung vượt sông Drina.[29]

Ngày 8 tháng 11, quân Áo-Hung tấn công Tập đoàn quân số 2 Serbia gần núi Cer và tiến sâu vào sau tuyến đầu của Serbia được 1,6 km, sau đó đào hào dưới chân núi.[29] Tập đoàn quân số 2 được lệnh cầm chân quân Áo-Hung càng lâu càng tốt và khi tình thế trở nên xấu đi sẽ rút về bờ hữu sông Dobrava để giữ con đường đến Valjevo. Ở những nơi khác, quân Áo-Hung khoét vào khoảng trống giữa hai tập đoàn quân số 1 và 3 của Serbia và buộc quân Serbian phải rút lui.[30] Cuối ngày hôm đó, chính phủ Serbia đã phải có cuộc họp với Bộ chỉ huy Tối cao liên quan đến việc tình hình chiến sự đang ngày càng xấu đi. Thống chế Putnik nhấn mạnh điều quan trọng là quân đội Serbia phải giữ được Kolubara và các thị trấn lân cận và trong trường hợp không làm được điều đó, Serbia nên thiết lập một nền hòa bình riêng rẽ với Áo-Hung. Tuy nhiên thủ tướng Serbia Nikola Pašić đã bác bỏ phương án này và thúc giục quân đội Serbia phải kháng cự mạnh mẽ hơn nữa. Pašić dọa từ chức nếu Serbia phải đàm phán hòa bình với Áo-Hung. Cuộc họp chấm dứt khi cả chính phủ lẫn Bộ chỉ huy Tối cao Serbia đều đồng ý sẽ tiếp tục chiến đấu.[23]

Thống chế Putnik chỉ ra rằng tuyến tiếp vận của Áo-Hung sẽ bị kéo dài quá mức khi quân đội Áo-Hung ngày càng đi sâu vào lãnh thổ Serbia trong khi Serbia vẫn còn giữ được các tuyến đường sắt ở trong nội địa nước này.[30] Ngày 10 tháng 11, từ Jadar, ông đưa ra một lệnh rút lui, cụ thể là rút Tập đoàn quân số 2 về Ub và tái bố trí hai tập đoàn quân số 1 và số 3 tại phía bắc và phía tây Valjevo.[31] Trong khi đó, Tập đoàn quân Užice được giao nhiệm vụ bảo vệ thị trấn mà tập đoàn quân này mang tên.[30] Quân Áo-Hung gây áp lực quyết giành được tuyến đường sắt Obrenovac–Valjevo và phải mất nhiều thời thời gian trước sự kháng cự của Serbia.[31] Trong điều kiện bùn lầy của các con đường tại Serbia, quân Áo-Hung vẫn đưa được pháo hạng nặng vào chiến trường là điều hoàn toàn nằm ngoài khả năng dự đoán Putnik. Pháo binh Áo-Hung nhanh chóng pháo kích vào các vị trí của quân Serbia bên kia sông Drina gây thương vong lớn. Tinh thần lính Serbia vốn đã giảm sút do thiếu quần áo ấm và đạn dược cũng như kiệt lực do rút lui ngày càng sâu vào nội địa giờ đây càng tồi tệ hơn nữa. Putnik giờ đây nhận ra rằng mình phải tập hợp lại quân đội Serbia mới mong có thể kháng cự hiệu quả quân Áo-Hung. Ông ra lệnh bỏ thành phố Valjevo và quân Serbia rút về cố thủ tại sông Kolubara.[30] Trên đường triệt thoái, lính Serbia phải phá hủy toàn bộ các cây cầu và đường dây điện thoại để không rơi vào tay quân Áo-Hung, cũng như để tăng tốc độ của cuộc triệt thoái, hầu hết vũ khí hạng nặng đã phải bị bỏ lại.[32] Trước tình hình ngày càng nguy ngập và lính Serbia thiếu trầm trọng pháo, đạn dược cũng như hàng tiếp liệu, thủ tướng Pašić đã phải cầu xin sự giúp đỡ của khối Hiệp ước bằng cách gửi điện tín cho các nhân viên ngoại giao của Serbia ở nước ngoài.[33] Nga và Vương quốc Anh bày tỏ sự thông cảm nhưng không giúp đỡ, riêng có Pháp cung cấp cho Serbia đạn dược và hàng tiếp liệu.[34]

Ăn mừng lớn đã diễn ra ở Vienna khi lính Áo-Hung tiến vào Valjevo ngày 15 tháng 11.[30] Việc chiếm được Valjevo khiến cho Áo-Hung tin rằng Serbia đã gần bị đánh bại. Hoàng đế Franz Joseph khen ngợi Potiorek vì chiến tích đánh chiếm thị trấn này, và nhiều thành phố của đế quốc đã phong Potiorek làm công dân danh dự và thậm chí ở Sarajevo còn có con đường mang tên ông.[24] ặc dù đã suy yếu, quân đội Serbia cũng nắm giữ những lợi thế nhất định. Chiến thuật “vườn không nhà trống” mà người Serbia áp dụng trong khi rút lui khiến cho việc tiến quân của Áo-Hung gặp nhiều khó khăn. Quân lính Serbia đã kiệt sức nhưng các vị trí phòng thủ của họ quanh Kolubara đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó.[32] Kế hoạch rút lui đúng lúc của Putnik cũng làm giảm thiểu thương vong cho quân đội Serbia. Sau cùng, điều kiện địa lý tại vùng tây bắc Serbia thuận lợi cho phòng thủ hơn là tấn công khi quân tấn công không thể lợi dụng bất kỳ yếu tố gì để giấu mình và các dòng sông được bao quanh bởi địa hình đồi núi. Vào tháng 10, quân Serbia củng cố vị trí phòng thủ tại các dãy núi Jeljak và Maljen để chờ đón quân Áo-Hung, vị trí mà từ đó họ có thể kiểm soát toàn bộ các con đường đến thành phố Kragujevac. Đường vào thành phố Niš, thủ đô thời chiến của Serbia, cũng được tăng cường phòng thủ.[32] Đối đầu với các vị trí phòng thủ được bố phòng tốt cộng với điều kiện địa hình di chuyển khó khăn khiến cho quân Áo-Hung không còn cách nào khác phải hành quân một cách cực nhọc qua các vùng quê Serbia trong tình trạng không có hệ thống thông tin liên lạc.[35]

Liên quan